Phượng Hoàng cổ trấn (Fenghuang guzhen – 凤凰古鎮) hay Phượng Hoàng cổ thành (Fenghuang gucheng - 凤凰古城) là trấn nhỏ nằm ở huyện Phượng Hoàng, phía tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Đây là một trấn cổ với 1300 năm tuổi là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Miêu, Thổ Gia, Hồi, Hán,… Là nơi thu hút khách du lịch bởi sự đơn sơ, cổ kính, của những ngôi nhà gỗ cổ những con ngõ nhỏ lát đá nằm cạnh dòng Đà Giang trong xanh uốn lượn.
Phượng Hoàng Cổ Trấn là một trong những địa danh nổi tiếng được thiên nhiên ưu ái ban cho vẻ đẹp hùng vĩ của núi non, sông nước. Phượng Hoàng trong giai thoại của Trung Quốc là loài chim thần thoại mang điềm lành, và chúng là loài chim bất tử có thể tái sinh từ ngọn lửa. Có truyền thuyết kể rằng trước đây từng có hai con Phượng Hoàng bay qua vùng đất này và đắm chìm trong khung cảnh yên bình, thơ mộng tựa chốn tiên cảnh nên lưu luyến không muốn rời đi. Từ đó người ta đặt tên thị trấn cổ xưa này là ‘Phượng Hoàng Cổ Trấn’.
Nằm yên ả bên dòng Đà Giang trong xanh thơ mộng con phố cổ 1300 năm tuổi sẽ chinh phục bạn với những ngõ ngách nhỏ, những ngôi nhà mang đậm phong cách phong kiến khiến bạn như quay về thời cổ xưa. Những ngôi nhà cửa gỗ đổ treo lồng đèn đỏ lát gạch đá trắng xám, cùng với gam màu tĩnh lặng của những ngôi nhà rêu phong với mái ngói âm dương được sắp đặt bên sườn núi, quanh co, soi bóng dưới dòng Đà Giang tạo nên một bức tranh cổ kính. Toàn bộ những kiến trúc cổ lớn của Phượng Hoàng cổ trấn còn giữ lại cho đến nay đa phần đều là công xây dựng từ thời nhà Thanh (1644 – 1911), do người Hán và người Miêu hoàn thiện.
Về đêm khi màu đen của bóng tối dần xuống trên những mái nhà, Cổ Trấn Trung Hoa lại lung linh trong những ánh đèn hiện đại đầy màu sắc, nhộn nhịp sôi động bởi các hoạt động mua bán ăn uống tại đây.
Phượng Hoàng Cổ Trấn giống như chốn tiên cảnh được bao bọc bởi một màu xanh của núi non, cây cối và yên bình bên dòng sông Đà Giang đã cùng song hành từ ngàn năm trước. Mỗi mùa sông Đà Giang đều mang một màu sắc, một vẻ đẹp riêng biệt. Mùa Xuân dòng sông lung linh với lần sương mù huyền ảo. Mùa hạ rực rỡ với những tia nắng nhảy nhót vui tươi. Mùa Thu dòng Đà Giang như một nàng thiếu nữ dịu dàng xinh đẹp. Mùa Đông lại thoáng nét buồn bã như một lời than thở từ ngàn xưa.
Sông Đà Giang gắn liền với vẻ đẹp của Phượng Hoàng Cổ Trấn, cũng gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Đi thuyền xuôi theo dòng sông, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy cảnh những người dân nơi đây tắm rửa, giặt giũ, rửa rau, bắt cá bên bờ sông.
Quãng đường hơn 1000 năm quá đủ cho một cuộc tình khăng khít giữa dòng sông và mảnh đất này. Chính vì thế mà đối với người dân ở trấn cổ này, con sông không đơn thuần là dòng nước chảy trôi tự nhiên mà còn là biểu tượng của Phượng Hoàng cổ trấn, là linh hồn của mảnh đất vốn nhiều thăng trầm này.
Hồng Kiều cây cầu 2 tầng này được xây chắc chắn bằng đá và gỗ. Dù nhìn từ phía xa hay đi thuyền dưới chân cầu, du khách vẫn cảm nhận được sự to lớn, trầm mặc của cây cầu, như một chứng nhân lịch sử lặng lẽ ở đó suốt hơn 300 năm, cùng trấn Phượng Hoàng trải qua biết bao thăng trầm.Hồng Kiều : trông như một căn lầu với 2 tầng có mái che, thành cầu chạm trổ phù điêu tinh xảo. Tầng 1 là lối đi nối 2 bờ và là nơi buôn bán đồ lưu niệm vào ban đêm, tầng 2 là nơi để ngắm cảnh, thưởng thức những bức thư pháp, tranh ảnh về Phượng Hoàng cổ trấn. Đứng trên lầu 2, du khách đi Tour Phượng Hoàng cổ trấn sẽ ngắm nhìn được toàn cảnh trấn cổ xinh đẹp.
Tuyết kiều : trái ngược với sự vững trãi, sừng sững của Hồng Kiều chính là Tuyết Kiều. Cũng là kết cấu 2 tầng xây bằng đá và gỗ, nhưng Tuyết Kiều lại thanh thoát, nhẹ nhàng, trắng tinh khôi như nàng thơ của mùa đông.Được khởi công xây dựng vào tháng 4/2011 và hoàn thành vào tháng 11/2012, họa sĩ đương đại Hoàng Ngọc Vĩnh đã “thổi hồn” vào cho cây cầu này vẻ đẹp cổ kính, lưu giữ lại tuổi thơ của ông nơi trấn cổ Phượng Hoàng. Cùng với Tuyết Kiều thì Cầu Vụ, Cầu Phong, Cầu Vũ chính là 4 tác phẩm “Tuyết – Vũ – Vụ – Phong” mà họa sĩ này đã “vẽ” trên Đà Giang, khiến thị trấn nhỏ này mang dáng hình mà không ở nơi đâu có thể tìm thấy.
Vụ Kiều : được ví như cây cầu sương mù. Những ngày có sương, đứng nơi đây khách du lịch Phượng Hoàng cổ trấn sẽ cảm giác được sự ma mị, mê hoặc của những con thuyền độc mộc lặng lẽ lướt trên dòng sông, ẩn hiện trong sương sớm. Vụ Kiều sở hữu lối kiến trúc tương tự với cầu Phong Kiều, tuy nhiên, Vụ Kiều lại có đến 3 mái nhà có thể ngắm nhìn cổ trấn. Kinh nghiệm du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn bật mí bạn có thể đến cầu vụ Kiều từ tháng 11 đến tháng 3 để có thể ngắm trọn vẻ đẹp huyền ảo và mơ mộng nơi đây.
Cầu đá nhảy có thể được xem là một cây cầu ở Phượng Hoàng Cổ Trấn nổi tiếng nhất, được rất nhiều du khách yêu thích và ghé thăm, check in “sống ảo” mỗi khi đến đây. Nét kiến trúc độc đáo và ấn tượng với những cột trụ đá được xây dựng cách nhau chỉ một bước chân đã tạo nên điểm nhấn đặc biệt, giúp cầu đá nhảy trở thành một phần không thể thiếu khi nhắc đến bức tranh Phượng Hoàng trấn cổ bên dòng sông Đà Giang thơ mộng.
Cầu gỗ Phượng Hoàng Cổ Trấn có hình dáng cong cong quyến rũ, nằm ngay dưới chân thác nước hùng vĩ của Phượng Hoàng tựa như chốn bồng lai tiên cảnh, giúp bạn dễ dàng bắt trọn khoảnh khắc, ngắm nhìn Phượng Hoàng đẹp, mờ ảo trong hơi nước và nắng vàng.Cây cầu này được ghép từ những tấm gỗ đơn sơ và giản dị, tạo ra nét đẹp mộc mạc, gần gũi có thể làm say lòng mọi du khách mỗi lần ghé thăm.
Bốn mùa ở Phượng Hoàng cổ trấn mùa nào cũng đẹp, quanh năm bạn đều có thể đến đây. Để chỉ ra mùa nào đẹp nhất thì thật sự rất khó. Có người thích mùa đông lành lạnh, có người lại thích nắng hè ấm áp. Tùy vào sở thích mà bạn có thể chọn mùa thích hợp để du ngoạn.
Phượng Hoàng cổ trấn mùa hè.
Với các bạn trẻ năng động, thích "sưởi nắng" thì mùa hè có lẽ sẽ là thời điểm đi thích hợp với bạn. Ban ngày nắng ấm áp soi chiếu óng ánh dòng Đà Giang nhưng không quá oi nóng như ở Việt Nam. Khi đêm về thì gió mát lại thổi vào.
Phượng Hoàng cổ trấn mùa đông.
Mùa đông, trấn Phượng Hoàng như chìm vào giấc ngủ đông, mang vẻ đẹp quyến rũ lạ kì. Tuyết phủ trắng những mái nhà, mái ngói cầu khiến nơi đây lặng lẽ hơn. Vào mùa này giá cả đồ ăn và các dịch vụ du lịch Phượng Hoàng cổ trấn cũng rẻ hơn, nếu may mắn bạn còn có cơ hội ngắm tuyết nữa nên nếu không ngại trời lạnh, hãy thử đến đây vào mùa đông nhé!
Phượng Hoàng cổ trấn mùa xuân và mùa thu.
Mùa xuân và mùa thu ở trấn Phượng Hoàng dễ chịu hơn cả. Xuân về cây lá đâm chồi, mang hương hoa thơm ngát phủ lên thị trấn nhỏ này. Sức sống như quay lại sau mùa đông lạnh giá. Đến mùa thu, những chiếc lá vàng bay nhè nhẹ rồi thả trôi theo dòng Đà Giang khiến những du khách có tâm hồn lãng mạn đều lưu luyến muốn ở lại nơi này.
Phượng Hoàng cổ trấn có rất nhiều hàng quán ăn vặt lẫn nhà hàng đồ ăn chính, trong đó nổi tiếng nhất là bánh tép làm từ tôm tép bắt ở sông Đà Giang, đậu phụ thối theo kiểu Hồ Nam, kẹo gừng và củ cải muối, ,mì phượng hoàng, sương sáo, bánh đồng diệp, cơm rang, cơm đậu phụ, đồ nướng và còn nhiều món ăn hấp dẫn khác đang chờ đón bạn thưởng thức.
Lưu ý : cách nấu ăn của người Phượng Hoàng cũng như nhiều vùng ở Trung Quốc, đều có đặc điểm là rất nhiều dầu, muối và gia vị nên những khách không ăn được cay nên dặn trước nhà hàng không cho ớt.
Trên đây là đôi nét về Phượng Hoàng cổ trấn có thể bạn cần biết trước khi đến đó. Trấn cổ này với vẻ đẹp hơn một ngàn năm tới nay vẫn vẹn nguyên. Điều này khiến cho mỗi khách du lịch ghé thăm đều như lạc bước về thời cổ đại, chiêm ngưỡng cảnh đẹp thơ mộng lung linh và được thưởng thức nhiều món ăn đặc sắc, có hương vị ngon khó quên. Trong kỳ nghỉ tới, nếu có ý định đến đây hãy liên hệ với SaiGon Blue Travel & Event để được tư vấn là có được một lịch trình như mong muốn tại “tiên cảnh bồng lai” chốn nhân gian này.
Mọi chi tiết xin liên hệ CÔNG TY TNHH MTV DU LỊCH VÀ SỰ KIỆN SÀI GÒN XANH
Địa chỉ sô 25 Đường số 2, KDC Cityland, Phường 10, Quận Gò Vấp