Hẻm vực Tu Sản là nơi dòng sông Nho Quế đi qua khu vực núi Mã Pì Lèng đến Mèo Vạc và được mệnh danh là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, là kỳ quan độc đáo nhất vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
Tu Sản được xem là “đệ nhất hùng quan” với chiều cao vách đá lên tới 700–800m, chiều dài tới 1,7km, sâu 700–900m, là danh thắng kỳ vĩ độc nhất của vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Tu Sản là sự kỳ diệu của tạo hóa hàng triệu năm trước khi nơi đây vẫn chìm trong lòng đại dương mênh mông, trong quá trình vỏ Trái Đất thay đổi, nước rút đi để lại di sản địa chất độc nhất cho tới ngày hôm nay.
Hẻm vực này là sản phẩm của sự kiến tạo kỳ diệu của thiên nhiên từ hàng triệu năm trước, khi nơi đây còn chìm trong lòng đại dương mênh mông. Trong quá trình thay đổi của vỏ Trái đất, nước rút đi, bào mòn, để lại di sản địa chất độc nhất vô nhị này cho tới ngày nay.
Có nhiều cách khác nhau để di chuyển tới hẻm Tu Sản, trong đó, đi theo quốc lộ 4c, qua thị trấn Đồng Văn khoảng 4km, rẽ xuống đường mòn để tới bến đò là chặng đường được nhiều du khách lựa chọn nhất. Cung đường này dài 8km với độ dốc lớn và hơn 47 khúc cua tay áo liên hồi sẽ mang lại một trải nghiệm khó quên đối với du khách.
Từ cuối cung đèo Mã Pí Lèng hướng gần Mèo Vạc, trên con đường xuôi về Xín Cái, Săm Pun, Sơn Vỹ, bạn sẽ xuống tới cầu Tràng Hương để chạm tay vào dòng sông xanh ngắt một màu. Từ đây, ngồi thuyền chừng 20 phút sẽ tới được giữa hẻm vực độc đáo này. Trước đó, dòng sông như là đáy của chữ V được bao bọc bởi núi, nhưng khi thuyền vào hẻm vực, bạn sẽ ở đáy của chữ U ngước lên vách đá cao vút. Mùa tháng 2, 3, cả triền sông rực lên màu đỏ của hoa gạo hòa cùng màu xanh của nước tạo nên bức tranh rừng núi vô cùng đẹp mắt.
Theo dòng lịch sử, hơn 350 triệu năm trước, cao nguyên đá Đồng Văn vẫn nằm dưới mặt biển, qua hàng ngàn năm cùng biển đổi địa chất và sự dịch chuyển của lục địa trên trái đất, cao nguyên đá này đã nhô lên hơn 2.000m so với mặt biển. Theo thống kê hiện nay có hơn 138 di sản địa chất và 17 món hóa thạch cổ sinh trong các tầng đá trầm tích tại Đồng Văn được khai quật, khám phá và nghiên cứu.
Nhìn từ xa, hai dãy núi đá vôi sừng sững nhô lên, vách đá gần như dựng đứng với độ dốc lên đến 70-80 độ tạo thành hình chữ V khổng lồ. Hai vách đá đứng sát nhau nên tạo thành một đoạn hẻm vực rất hẹp cho nước sông chảy qua.
Dưới lòng sông là làn nước xanh màu ngọc lục bảo, hai bên là vách núi cao dựng đứng với màu sắc của thời gian, chấm phá bởi những loài cây rừng rực rỡ, hay những cây lớn cô đơn sừng sững giữa thiên nhiên.
Hẻm vực sâu thăm thẳm với dòng sông Nho Quế như một dải lụa uốn lượn qua khe núi hẹp khiến bao du khách ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần bí mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này.
Trước kia, sông Nho Quế không êm ả như bây giờ và chỉ được xem là nơi phục vụ mục đích đánh bắt cá của người dân địa phương. Đây cũng là nơi cấp nước sinh hoạt cho bà con người dân tộc nơi đây, là nguồn nước quan trọng cho hầu hết các thửa ruộng bậc thang của bà con sinh sống quanh khu vực này.
Khi thủy điện được xây dựng, dòng Nho Quế đã trở thành “mặt hồ” tĩnh lặng. Những năm gần đây, người dân đã dùng những chiếc thuyền máy để phục vụ du lịch.
Hiện nay, chèo thuyền trên sông Nho Quế, vượt hẻm Tu Sản đã trở thành những trải nghiệm được các bạn trẻ ưa thích. Các loại thuyền thể thao nhỏ như Kayak, Sup lênh đênh nhẹ nhàng trên dòng nước giữa hai bờ vực sâu như thể những chiếc diều gió thả hồn trên lòng sông thơ mộng.
Theo thông tin từ đơn vị kiểm lâm của huyện Mèo Vạc, ngoài sự độc đáo của tự nhiên khi tạo nên vách núi thẳng đứng đó thì ở hẻm vực Tu Sản còn có một đàn khỉ mốc ước chừng 30–40 cá thể sinh sống. Chúng sống trên các vách hốc đá cheo leo hoặc náu mình trong những lùm cây rậm rạp. Thức ăn của khỉ mốc thường là trái cây, ngũ cốc và một số động vật không xương sống nhỏ, thỉnh thoảng ăn côn trùng cánh cứng hoặc ấu trùng, có thể cả thằn lằn.
Khỉ mốc hoạt động mạnh vào ban ngày nên nếu may mắn thì bạn có thể bắt gặp chúng khi đi thuyền trên dòng Nho Quế. Người dân ở đây thường bị đàn khỉ mốc ném nhành cây hoặc đá khi đánh cá vào đêm trăng dưới hẻm vực Tu Sản. Cũng do sinh sống trên vách đá dựng đứng như thế nên đàn khỉ mốc này không bị hoạt động săn bắt của con người đe dọa.
Hiện nay, những người đam mê chinh phục vẫn thích tới hẻm Tu Sản vào các tháng 2, 3 - khi cả triền sông rực lên màu đỏ của hoa gạo hòa cùng màu xanh của nước tạo nên bức tranh rừng núi vô cùng đẹp mắt.